0866 533 766

Quy chuẩn xây nền nhà chống nồm TCVN 9359:2012 hiện hành

Nếu bạn đang ở miền Bắc và dự định dự định xây nhà tại đây, chắc hẳn bạn hiểu rõ cảm giác khó chịu khi sàn nhà luôn ẩm ướt vào mùa nồm – gây bất tiện cho sinh hoạt, trơn trượt nguy hiểm và tạo môi trường thuận lợi cho nấm mốc, vi khuẩn có hại cho sức khoẻ phát triển. Vậy thi công thế nào để giữ nền nhà luôn khô ráo ngay cả trong những ngày nồm?
Trong bài viết này, NT Steel sẽ chia sẻ quy chuẩn xây nền nhà chống nồm chuẩn theo TCVN 9359:2012, giúp đảm bảo công trình của bạn luôn thoáng mát và khô ráo suốt cả năm.

1. Hiện tượng nồm là gì?

Nồm là hiện tượng hơi nước trong không khí ngưng tụ khi nhiệt độ bề mặt sàn nhà thấp hơn điểm sương của không khí (tức mức nhiệt độ khiến hơi nước trong không khí ngưng tụ thành chất lỏng). Điều này khiến sàn nhà bị “đổ mồ hôi”, tạo cảm giác nhớp nháp rất khó chịu – ảnh hưởng đến chất lượng sống với những người sinh hoạt/làm việc trong công trình.

Hiện tượng nồm là gì?

Tình trạng này phổ biến vào mùa xuân ở khu vực miền Bắc và bắc Trung Bộ, khi thời tiết se lạnh & mưa phùn nhiều khiến độ ẩm không khí thường xuyên vượt mức 90%.

Nồm khiến sàn nhà ẩm ướt gây ra những tác động xấu có thể kể đến như:

  • Nấm mốc phát triển, làm hư hại vật liệu và giảm tuổi thọ công trình.
  • Vi khuẩn tích tụ, ảnh hưởng đến sức khỏe người ở.
  • Trơn trượt nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Do đó, việc xây nền nhà chống nồm là giải pháp cần thiết để mang lại không gian sống an toàn và thoải mái cho cả gia đình và những người cùng sinh sống, làm việc trong công trình.

2. Giải pháp thiết kế nền nhà chống nồm hiệu quả theo TCVN 9359:2012

Theo mục 3 TCVN 9359:2012, việc chống nồm cho công trình hiệu quả sẽ cần dựa trên các nguyên tắc như sau:

2.1. Thiết kế nền nhà hợp lý

Sử dụng vật liệu thi công sàn có khả năng kiểm soát nhiệt độ, chẳng hạn như: xỉ than dạng hạt, xốp cách nhiệt (EPS, PU,…), tấm nhựa lát sàn composite, gốm bọt… để đảm bảo nhiệt độ bề mặt sàn luôn cao hơn nhiệt độ điểm sương của không khí – từ đó tránh hiện tượng hóa lỏng hơi nước trên mặt sàn gây “đổ mồ hôi” nền nhà.

Giải pháp thiết kế nền nhà chống nồm hiệu quả
Giải pháp chống nồm bằng cách lót xốp PU trong thi công sàn.

2.2. Áp dụng các biện pháp cưỡng bức

Dùng các phương tiện kỹ thuật như làm giảm nhiệt độ không khí hoặc làm tăng nhiệt độ sàn nhằm mục đích sao cho sàn có nhiệt độ cao hơn không khí để tránh phản ứng ngưng tụ hóa lỏng trên nền nhà.

Bên cạnh biện pháp nhiệt độ, nguyên lý cưỡng bức còn áp dụng thêm các kỹ thuật hút ẩm để làm tăng hiệu quả chống nồm sàn nhà. Cụ thể trên thực tế, nguyên lý chống nồm này được ứng dụng thông qua các giải pháp như: sưởi sàn, bật điều hòa, trang bị máy hút ẩm,…

3. Quy chuẩn xây nền nhà chống nồm hiệu quả

Theo sơ đồ trên, quy chuẩn xây nền nhà chống nồm sẽ bao gồm 5 lớp vật liệu, mỗi lớp có một chức năng đặc thù riêng góp phần đảm bảo chống nồm ẩm cho sàn nhà hiệu quả:

  • Lớp 1 – Bề mặt nền nhà: Đây là phần trên cùng của sàn nhà, yêu cầu tính thẩm mỹ, bền chắc và có quán tính nhiệt lớn (quán tính nhiệt được hiểu là khả năng hấp thụ và dự trữ nhiệt năng của vật liệu khi trời nắng vào ban ngày, sau đó giải phóng nhiệt từ từ vào ban đêm – tạo sự ổn định về không khí cho căn phòng). Ở lớp 1 này, bạn có thể chọn chất liệu gạch men sứ/vật liệu composite với độ dày ≤ 7mm, gạch gốm nung với độ dày ≤ 10mm hoặc ván gỗ pakét có độ dày ≤ 20mm.
  • Lớp 2 – Lớp cách nước: Sử dụng giấy dầu hoặc sơn bitum để ngăn nước thấm vào vật liệu cách nhiệt.

Quy chuẩn xây nền nhà chống nồm hiệu quả

  • Lớp 3 – Vật liệu cách nhiệt cơ bản: Ở lớp thứ 3 này, chủ đầu tư cần trang bị vật liệu có tính cách nhiệt cao, đồng thời có tính chịu nén tốt, tối thiểu phải đạt được Rn ≥ 200 N. Một số gợi ý chất liệu thi công lớp cách nhiệt cơ bản bao gồm: gốm bọt (có hệ số điều kiện làm việc γo từ 400 kg/m3 – 700 kg/m3), xốp EPS (γo từ 35 kg/m3 – 60 kg/m3), tấm đôlômít (γo đạt 500 kg/m3),….
  • Lớp 4 – Lớp chống thấm từ đất: Lớp này có tác dụng ngăn nước từ đất nền thấm ngược lên gây ảnh hưởng các phần phía trên. Để thi công lớp thứ 4 hiệu quả cao, chủ đầu tư có thể cân nhắc sử dụng một trong các vật liệu có tính kháng nước cao như: màng polyetylen, giấy bitum hoặc vữa xi măng cát,…
  • Lớp 5 – Lớp bê tông chịu lực: Ở lớp cuối cùng, chủ đầu tư nên thi công bê tông hoặc bê tông gạch vỡ giúp gia cố độ bền và ổn định phần nền nhà​.

4. Phương pháp thi công nền nhà chống nồm

Phương pháp thi công nền nhà chống nồm

Trong quá trình thi công, người phụ trách thực hiện cần tuân thủ đúng quy trình sau để đạt hiệu quả chống nồm cho sàn nhà được tốt nhất:

  • Bước 1 – Đầm nền chặt và phẳng: Đảm bảo nền nhà không bị lún sau thời gian dài sử dụng.
  • Bước 2 – Thi công lớp bê tông: Sau khi đổ bê tông, cần láng phẳng một lớp từ 10 – 20mm xi măng mác 10 để tạo bề mặt chắc chắn cho các lớp vật liệu tiếp theo.
  • Bước 3 – Thi công lớp cách nước: Lớp giấy dầu hoặc sơn bitum cần được trải kín bề mặt, dán kỹ các phần ghép nối và vén lên chân tường ít nhất 10mm. Trong trường hợp sử dụng vữa xi măng cát, người thực hiện cần trải đều, kín bề mặt và đầm chặt để tạo nên một bề mặt nền đều – bền vững cho các lớp tiếp theo. Nếu sử dụng chất chống thấm, bên thi công cần phun hoặc phết sơn lên bề mặt theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất
  • Bước 4 – Lắp đặt lớp cách nhiệt đúng tiêu chuẩn: Vật liệu cách nhiệt cần được lắp đặt bằng phẳng, sao cho khi trét lớp vữa lát sàn có độ dày không quá 10 – 20mm.

5. Kinh nghiệm cải tạo nền nhà cũ chống nồm

Trong trường hợp thực hiện thi công chống nồm ở nền cũ đang sử dụng và không thể hạ cốt nền, thì với lớp 1, 2 và 3 đã được đề cập ở mục “Quy chuẩn xây nền nhà chống nồm hiệu quả”, đội thi công cần sử dụng vật liệu có tính năng kỹ thuật cao với độ mỏng lớn.

Một trong những vật liệu mà chủ đầu tư có thể tham khảo áp dụng bao gồm: gạch lát men sứ, tấm lát nhựa composite, gỗ,…. và chất liệu cách nhiệt nhẹ như: polyurêthan, xốp EPS cường độ cao, gốm bọt,…

6. Lời kết

Việc xây dựng nền nhà chống nồm không chỉ cải thiện chất lượng không gian sống mà còn bảo vệ tài sản và sức khỏe những người sinh hoạt bên trong công trình. Bằng cách tuân thủ đúng theo hướng dẫn trên và sử dụng vật liệu cách nhiệt, cách ẩm phù hợp, bạn có thể hoàn toàn yên tâm rằng nền nhà của mình sẽ luôn khô ráo, sạch sẽ ngay cả trong những ngày thời tiết khó chịu nhất.

Hy vọng qua bài viết, bạn đã nắm rõ nguyên tắc & quy chuẩn xây nền nhà chống nồm theo tiêu chuẩn TCVN 9359:2012 hiện hành để áp dụng cho công trình một cách hiệu quả. Chúc bạn thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mục lục