0866 533 766

Vị trí nối thép dầm móng chuẩn theo TCVN 4453 : 1995

Trong xây dựng, vị trí nối thép trong dầm móng là yếu tố cực kỳ quan trọng để đảm bảo sự ổn định của kết cấu, từ đó nâng cao tuổi thọ bền bỉ của công trình trong hàng chục năm vận hành – sử dụng. Nếu nối thép không đúng vị trí hoặc sai kỹ thuật, kết cấu sẽ dễ gặp sự cố như: nứt, lún, sụt… gây nguy hiểm, đồng thời khiến chủ đầu tư tốn nhiều chi phí để sửa chữa, bảo trì.

Trong bài viết này, NT Steel xin giới thiệu tới bạn tất tần tật vị trí nối thép dầm móng chuẩn theo TCVN 4453:1995 hiện hành cùng những nguyên tắc, phương pháp nối thép hiệu quả trong thi công loại kết cấu này. Cùng bắt đầu nhé!

1. Vị trí nối thép dầm móng chuẩn kỹ thuật

Dầm móng là kết cấu chịu lực nằm theo phương ngang của công trình, chịu trách nhiệm liên kết các móng giúp ổn định cho khung công trình. Do đó, dầm móng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng quyết định trực tiếp đến độ bền và tuổi thọ công trình.

Vị trí nối thép dầm móng chuẩn kỹ thuật

Theo TCVN 4453 : 1995, để đảm bảo kết cấu giằng móng bền vững, các mối nối cần được nằm ở vị trí ít chịu lực và không nên bố trí trên cùng mặt cắt ngang. Điều này giúp giảm thiểu ứng suất (sức căng), momen (lực uốn) cho mối nối, giúp tránh tình trạng nứt gãy sau này.

Cụ thể, dưới đây là những vị trí chịu lực lớn mà bạn nên tránh nối thép dầm móng:

  • Ở lớp thép trên: Không được nối ở khu vực từ tim cột đến 1/4 nhịp dầm.
  • Ở lớp thép dưới: Không được nối ở khu vực bụng dầm tại vị trí ở khoảng ¾ nhịp dầm.

2. Ý nghĩa của việc nối thép dầm móng chuẩn kỹ thuật

Ý nghĩa của việc nối thép dầm móng chuẩn kỹ thuật

Với vai trò quan trọng trong việc chịu lực và đảm bảo ổn định cho sự bền vững cho toàn bộ công trình, việc dầm móng được nối thép chuẩn kỹ thuật sẽ mang lại những lợi ích có thể thấy rõ như:

  • Giúp tăng hiệu quả truyền lực từ tải trọng công trình xuống móng: Dầm móng được thi công chuẩn sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc truyền tải lực một cách đều đặn xuống móng, từ đó bảo đảm sự bền vững và tuổi thọ dài lâu cho công trình.
  • Gia tăng độ cứng và ổn định cho công trình: Hệ thống nối thép dầm móng chuẩn làm cho kết cấu trở nên liền lạc – từ đó tăng khả năng chống xoay, chống xô lệch ở chân công trình.
  • Chống rạn nứt và chống thấm: Liên kết thép đúng chuẩn tạo nên hệ giằng vững chắc, giúp giảm thiểu các vết nứt và nguy cơ thấm nước qua các mạch liên kết giữa móng và tường, từ đó bảo vệ độ bền của công trình.
  • Giảm biến dạng sàn nhà và nền móng: Khi thép dầm móng được nối đúng cách, độ biến dạng của sàn nhà và nền móng sẽ được kiểm soát tốt hơn – đảm bảo nền không bị lún lệch trước tải trọng của công trình hoặc các tác nhân xấu từ thời tiết.

3. Phương pháp nối thép thông dụng trong dầm móng

Hiện nay, có 3 phương pháp nối thép được sử dụng phổ biến trong thi công dầm móng tại các công trình, cụ thể như:

3.1. Nối buộc cốt thép bằng dây kẽm

Nối buộc cốt thép bằng dây kẽm

Đây là phương pháp nối phổ biến và đơn giản nhất, sử dụng dây kẽm 1-2mm để cố định các thanh thép. Phương pháp này không cần thiết bị hiện đại, dễ thực hiện tại công trường bằng tay hoặc bằng kìm vặn, tiết kiệm thời gian và không yêu cầu công nhân có kỹ thuật hay tay nghề cao.

  • Ưu điểm: Chi phí thấp, phù hợp với công trình dân dụng như: nhà cấp 4, nhà phố, biệt thự,…
  • Hạn chế: Không đảm bảo độ chính xác cao cho các công trình yêu cầu kỹ thuật phức tạp.

3.2. Nối thép bằng ống nối ren (Coupler)

Nối thép bằng ống nối ren (Coupler)

Phương pháp này sử dụng ống coupler có ren để nối các thanh thép, giúp đảm bảo tính liền mạch và chịu lực tốt của dầm móng. Phương pháp này được ứng dụng phổ biến trong các dự án lớn, yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt như nhà cao tầng, cầu và thủy điện.

  • Ưu điểm: Độ bền cao và chịu lực tốt, phù hợp cho các công trình lớn và yêu cầu kỹ thuật cao.
  • Hạn chế: Không phù hợp cho công trình dân dụng (thép ≤ D20mm), chi phí và yêu cầu máy móc kỹ thuật cao.

3.3. Nối thép bằng phương pháp hàn

Nối thép bằng phương pháp hàn

Đây là cách nối thép sử dụng nhiều công nghệ khác nhau như: hàn đối đầu, hàn điện trở, hàn hồ quang để tạo ra kết nối chắc chắn. Phương pháp này yêu cầu công nhân có tay nghề cao để đảm bảo chất lượng mối hàn chắc chắn, bền bỉ, không bị nứt vỡ.

  • Ưu điểm: Nối thép bằng phương pháp hàn có tính bền bỉ cao và liên kết vượt trội, chi phí đầu tư hợp lý.
  • Hạn chế: Quy trình phức tạp, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề và chuyên môn cao mới thực hiện được các mối nối đạt chất lượng.

4. Nguyên tắc cơ bản khi nối thép dầm móng

Việc nối thép không chỉ đơn giản là ghép các thanh lại với nhau mà cần tuân thủ một loạt các quy chuẩn để đảm bảo khả năng chịu lực hiệu quả của dầm móng. Cụ thể, theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4453 : 1995, văn bản này có quy định như sau khi nối thép:

4.1. Nối thép dầm móng bằng phương pháp hàn

Trong trường hợp công trình áp dụng phương pháp nối thép dầm móng thông qua cách hàn, người thực hiện cần phải lưu ý các nguyên tắc sau:

  • Phương pháp hàn: Sử dụng phương pháp hàn hồ quang với các thanh thép vằn có kích thước lớn hơn 8mm. Đối với thanh thép kéo nguội có đường kính dưới 10mm hoặc thép cán nóng có đường kính dưới 12mm, có thể sử dụng phương pháp hàn điểm để kết nối các thanh thép thành khung, lưới.
  • Yêu cầu kỹ thuật: Bề mặt hàn phải phẳng, không cháy, không có bọt khí hay nứt. Ngoài ra, người thực hiện phải có nhiệm vụ hàn các điểm giao nhau phía mặt ngoài theo thứ tự xen kẽ của các thanh thép trong kết cấu khung lưới (tức cứ một điểm giao được hàn thì sẽ có một điểm giao không phải hàn, cứ thế cho đến hết) – nhằm đảm bảo tính chịu lực cao nhất cho dầm móng.

Nguyên tắc cơ bản khi nối thép dầm móng

4.2. Nối thép dầm móng bằng buộc

Đối với các công trình không yêu cầu quá cao về tính chịu lực dầm móng, phương pháp nối thép bằng cách buộc là biện pháp tối ưu được áp dụng để tiết kiệm chi phí thi công.

  • Phương pháp thực hiện: Nối chồng hai thanh thép lên nhau bằng dây thép mảnh có đường kính tối thiểu 1mm. Ở mỗi mối ghép, người thực hiện cần buộc chặt ở 3 vị trí nối thép dầm móng bao gồm: ở giữa và hai đầu để đảm bảo sự chắc chắn khi kết nối các thanh thép với nhau trong khung dầm móng.
  • Yêu cầu kỹ thuật: Chiều dài vùng nối buộc giữa hai đầu thép chồng lên nhau không được dưới 250mm đối với thép chịu kéo và không nhỏ hơn 200mm đối với thép chịu nén. Ngoài ra, khi kết nối các thanh thép vằn với nhau trong khung chịu lực dầm móng, người thực hiện không được buộc quá 50% tiết diện mặt cắt ngang của thanh thép.
  • Lưu ý: Không được nối buộc ở vị trí chịu lực lớn và khu vực thanh thép đã bị uốn cong.

Xác định vị trí nối thép dầm móng đúng kỹ thuật là bước đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng để đảm bảo thi công công trình bền vững và an toàn sau này. Hy vọng qua bài viết, NT Steel đã giúp bạn nắm rõ được cách nối thép dầm móng chuẩn theo quy định hiện hành để đảm bảo chất lượng thi công công trình của mình được tốt nhất, đảm bảo độ ổn định cao nhất. Chúc bạn thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mục lục