Ốc vít là một phụ kiện cơ khí có tác dụng cố định chắc chắn các mối nối phổ biến trong mọi mặt cuộc sống hiện nay. Nó thông dụng đến mức, bạn đến đâu cũng thấy sự xuất hiện của sản phẩm này – từ các đồ gia dụng, đồ điện tử, đồ nội thất,… cho đến các kết cấu phức tạp của ngành xây dựng. Vậy bạn đã bao giờ thắc mắc rằng, quy trình công nghệ sản xuất ốc vít từ nguyên liệu thô đến sản phẩm hoàn chỉnh diễn ra như thế nào chưa? Hãy cùng NT Steel khám phá A-Z trong bài viết dưới đây.
Chi tiết về công nghệ sản xuất ốc vít: A-Z từ nguyên liệu thô đến sản phẩm hoàn chỉnh
Để tạo ra một chiếc ốc vít đạt tiêu chuẩn, quy trình sản xuất phải trải qua nhiều công đoạn chính xác và nghiêm ngặt để biến từ một thanh thép thô trở thành sản phẩm có tính hoàn thiện cao. Chi tiết, dưới đây là A-Z các bước trong công nghệ sản xuất ốc vít tại hầu hết các nhà sản xuất hiện nay để bạn tham khảo & tìm hiểu:
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu sản xuất ốc vít
Nguyên liệu chính để sản xuất ốc vít thường là thép carbon, thép hợp kim, inox hoặc đồng. Những loại vật liệu này được lựa chọn tùy theo nhu cầu công năng sản phẩm, chẳng hạn như: đáp ứng yêu cầu về độ bền, khả năng chống gỉ sét hay về tính thẩm mỹ – chi tiết như sau:
- Thép carbon: Phổ biến nhất, dùng cho các ứng dụng cơ bản với chi phí hợp lý.
- Thép hợp kim: Dành cho các loại vít chịu lực cao, chống oxy hoá hiệu quả hoạt động trong môi trường khắc nghiệt.
- Inox: Chống gỉ sét tốt, thân thiện cho sức khỏe con người, đồng thời có màu sáng bóng đẹp mắt – phù hợp với các ngành chế tạo lắp đặt dụng cụ yêu cầu tính thẩm mỹ và an toàn cao như: đồ gia dụng, đồ bếp, vật dụng y tế,…
- Đồng: Thường dùng trong các sản phẩm nội thất cao cấp nhờ màu sắc vàng nâu sang trọng & không bị ăn mòn bởi các tác nhân thời tiết.
Bước 2: Cắt phôi nguyên liệu sản xuất ốc vít
Các nguyên liệu đã chuẩn bị ở bước 1 sẽ được cán thành dạng thanh tròn thông qua máy cán nguội. Ưu điểm của việc cán nguội là không làm thay đổi lý tính bên trong vật liệu như các biện pháp tạo hình bằng nhiệt độ cao, đảm bảo độ cứng & độ bền của sản phẩm sau này.
Sau khi cán xong, các thanh vật liệu sẽ được đưa vào máy cắt phôi chuyên dụng, phân thành các đoạn phôi nhỏ đồng đều với chiều dài tương ứng với cỡ vít dự định sản xuất.
Bước 3: Tạo hình đầu vít
Phôi nguyên liệu sau khi được cắt sẽ được đưa vào máy dập nguội áp lực cao để tạo hình phần đầu vít. Trước khi dập, phôi được bôi trơn bằng dầu để giảm ma sát, giúp nâng cao hiệu suất dập của máy & bảo vệ bề mặt vít khỏi hư hại..
Bước 4: Cán ren vít
Sau khi tạo hình đầu vít, vật liệu tiếp tục đưa vào máy máy cán ren để tạo các đường vân xoắn trên thân. Công đoạn này quyết định tính tương thích của vít khi lắp ráp với đai ốc hoặc lỗ ren trên các bề mặt.
Ở bước này, người điều khiển máy sẽ lựa chọn các chế độ để cán ren đúng theo từng hệ (hệ Mét/Inch), khoảng cách bước ren, độ nông sâu của ren,… tuỳ vào mong muốn về thành phẩm cuối cùng.
Bước 5: Xử lý mạ kẽm bề mặt
Với các chất liệu sản xuất là sắt/thép carbon, ốc vít sau khi tạo hình hoàn chỉnh sẽ được xử lý mạ kẽm bề mặt để tăng khả năng chống oxy hóa và chống mài mòn của sản phẩm, các phương pháp xử lý phổ biến gồm:
- Mạ kẽm điện phân: Tạo lớp mạ kẽm bền bỉ, sáng bóng và chống mài mòn, oxy hoá tốt với chi phí tiết kiệm hơn
- Mạ kẽm nhúng nóng: Lớp mạ dày với độ bám dính tốt hơn, có khả năng bảo vệ hiệu quả trước các tác nhân gây mài mòn, oxy hoá từ môi trường khắc nghiệt.
Bước 6: Kiểm tra chất lượng và đóng gói
Sau khi hoàn tất các công đoạn gia công ở trên, ốc vít sẽ trải qua quy trình kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt thông qua máy kiểm tra chuyên dụng. Nếu thành phẩm đạt được kích thước và hình dạng chính xác, độ cứng và độ bền đạt chuẩn, lớp phủ bề mặt không bị bong tróc & đều màu,… sản phẩm sẽ được coi là đạt tiêu chuẩn và chuyển sang bước đóng gói, xuất xưởng và lưu hành ra thị trường.
Các loại máy móc chính trong công nghệ sản xuất ốc vít
Một dây chuyền công nghệ sản xuất ốc vít hiện đại không thể thiếu sự hỗ trợ từ các loại máy móc tiên tiến để tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao với năng suất lớn hàng vạn chiếc mỗi ngày. Chi tiết, dưới đây là các thiết bị phổ biến trong quy trình này:
- Máy cắt phôi: Thiết bị này cắt nguyên liệu thành các đoạn phôi với kích thước phù hợp để đưa sang các máy móc gia công, hoàn thiện tiếp theo trong dây chuyền.
- Máy dập nguội đầu ốc vít: Dùng để tạo hình phần đầu vít như mong muốn với độ chính xác cao. Sản phẩm sử dụng công nghệ dập nguội, không ảnh hưởng đến tính chất cơ lý bên trong vật liệu như các biện pháp dùng nhiệt độ cao – đảm bảo độ bền vượt trội cho sản phẩm khi xuất xưởng.
- Máy cán ren: Tạo các đường ren trên thân vít, đảm bảo sự tương thích trong quá trình lắp ráp. Loại máy này cũng sử dụng công nghệ cán nguội, đảm bảo các ren bền vững, chắc chắn – giảm thiểu rủi ro trờn ren trong quá trình sử dụng.
- Máy mạ kẽm: Dùng để mạ kẽm hoặc phủ lớp chống ăn mòn lên bề mặt vít. Có 2 loại máy mạ kẽm bu lông, ốc vít phổ biến bao gồm: máy mạ điện & máy mạ kẽm nhúng nóng.
- Máy kiểm tra chất lượng: Có nhiệm vụ kiểm tra kích thước, tính chất cơ lý sản phẩm đã phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật đã cài đặt sẵn hay chưa một cách hoàn toàn tự động hoá, giúp chủ doanh nghiệp có thể kiểm tra liên tục hàng chục nghìn, hàng vạn chiếc vít mỗi ngày mà không tốn chi phí nhân công.
Qua bài viết trên, NT Steel đã giới thiệu tới bạn A-Z về quy trình công nghệ sản xuất ốc vít từ nguyên liệu thô cho đến thành phẩm hoàn chỉnh. Hy vọng qua bài viết, chúng tôi đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cách ốc vít được sản xuất như thế nào để thoả mãn nhu cầu tìm hiểu của bản thân mình. Cảm ơn bạn đã đọc và chúc bạn một ngày tốt lành!